Phú Quốc: Viễn cảnh đặc khu năng động

Thứ tư - 06/10/2021 20:57
Phú Quốc (Kiên Giang) được mệnh danh là 'đảo Ngọc' có tiềm năng to lớn phát triển du lịch, dịch vụ. Nhận được sự hậu thuẫn lớn về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Phú Quốc đang trên đà trở thành một trong ba 'đặc khu hành chính - kinh tế' đầu tiên tại Việt Nam
Phú Quốc: Viễn cảnh đặc khu năng động

Sôi động đầu tư

Nằm ở vùng biển Tây Nam của Tổ quốc, Phú Quốc có diện tích gần 600 km2 (tương đương đảo quốc Singapore), mặt biển tiếp giáp các nước ASEAN, hệ sinh thái biển đa dạng, nhiều bãi biển đẹp; gần đường vận chuyển hàng hóa quốc tế từ Đông sang Tây, cách thủ đô các nước ASEAN chỉ khoảng 2 giờ bay... Những yếu tố về thiên thời, địa lợi này được đánh giá là tiềm năng to lớn có thể khai thác hiệu quả để phát triển kinh tế.

Cách đây 15 năm về trước, do chưa có chiến lược thích hợp nên tiềm năng kinh tế của “đảo ngọc” vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Nhưng nay, sự phát triển của Phú Quốc đang mở ra hướng đi cho tương lai đầy hứa hẹn. Trong chuyến công tác cuối năm 2017, chúng tôi chỉ mất khoảng 2 giờ bay từ Hà Nội đã có mặt ở “đảo ngọc”, cảm nhận từ thực tế thấy rằng: Đầu tư phát triển ở Phú Quốc đang diễn ra rất sôi động.

Trong 5 năm trở lại đây, nguồn vốn ngân sách nhà nước đã dành trên 5.000 tỷ đồng nâng cấp trục giao thông Bắc - Nam và đường quanh đảo hiện đại, kết nối đến các điểm tham quan, vui chơi, nghỉ dưỡng. Lưới điện quốc gia cũng được đầu tư xuyên biển tới đây; Sân bay quốc tế Phú Quốc được xây dựng và đưa vào khai thác giai đoạn 1, hiện đang đầu tư giai đoạn 2 để nâng công suất lên 5 triệu lượt hành khách/ năm. Tuyến vận tải đường biển kết nối với đất liền cũng đã và đang được mở rộng, hiện đại hóa đội tàu, khách du lịch đến Phú Quốc tới đây có thể đi tàu theo tiêu chuẩn 5 sao.

Hạ tầng hoàn thiện, kết nối giao thông thuận tiện đã góp phần khiến Phú Quốc có sức hấp dẫn thu hút đầu tư mạnh mẽ. Du lịch, dịch vụ phát triển, du khách đến Phú Quốc ngày càng nhiều khiến cho bất động sản nghỉ dưỡng ở “đảo ngọc” gia tăng giá trị.

Đại diện Ban Quản lý Khu Kinh tế Phú Quốc cho biết, tính đến cuối năm 2017, tại Phú Quốc đã có khoảng 220 dự án đầu tư được cấp chứng nhận hoặc quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 350.000 tỷ đồng, 32 dự án đã hoạt động với tổng vốn đầu tư khoảng 60.000 tỷ đồng.

Ông Lý Hoài Giang - Phó Chánh văn phòng Ban Quản lý Khu Kinh tế Phú Quốc - cho biết, năm 2017 lượng khách du lịch đến Phú Quốc đã đạt gần 3 triệu lượt, vượt mục tiêu đón 2 triệu lượt đề ra hồi đầu năm, tăng gấp đôi năm 2016 và gấp 6 - 7 lần so với năm 2010.

Phú Quốc đang là một điểm sáng về kinh tế của tỉnh Kiên Giang và cả nước, GDP bình quân đầu người ước tính đạt khoảng 10.000 USD, năm 2016 đạt 145 triệu đồng, bình quân tăng trên 20% những năm gần đây, tổng thu ngân sách tăng gấp 10 lần so với năm 2010.

Triển vọng bứt phá

Hiện dự án cáp treo An Thới - Hòn Thơm (tuyến cáp treo dài nhất thế giới) do Sungroup đầu tư trên đảo Phú Quốc đang hoàn thiện để khai trương dịp Tết Mậu Tuất 2018. Một cán bộ làm công tác du lịch ở Kiên Giang khẳng định, khi tuyến cáp treo này hoạt động sẽ trở thành một cực chiến lược quan trọng thu hút khách du lịch đến Phú Quốc. Ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - nhận định: Phú Quốc đang có những ưu thế tuyệt đối về phát triển du lịch sinh thái biển đảo.

Phú Quốc cũng đã được Chính phủ lựa chọn phát triển trở thành một trong 3 “đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt” đầu tiên tại Việt Nam. Theo ông Hà Văn Siêu, triển vọng bứt phá trong những năm tới của “đảo ngọc” là rất lớn. Khi dự Luật Đặc khu hành chính - kinh tế được Quốc hội thông qua năm 2018, thể chế của đặc khu sẽ cải cách mạnh mẽ, bộ máy chính quyền tinh gọn, tự chủ cao, chuyên nghiệp hóa quản lý, thủ tục hành chính thông thoáng, thuận lợi, minh bạch, ưu đãi đầu tư nổi trội… sẽ kiến tạo cho Phú Quốc một môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn, cạnh tranh. Đó là động lực khiến cho đầu tư vào Phú Quốc tiếp tục bùng nổ trong những năm tới.

Theo đánh giá của các nhà hoạch định chiến lược, trong 3 khu kinh tế được lựa chọn phát triển theo mô hình “đặc khu hành chính - kinh tế” gồm Phú Quốc (Kiên Giang), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc đang có triển vọng hiện thực hóa mô hình này sớm nhất. Bởi tại đây, hạ tầng đã được đầu tư khá bài bản, kết nối giao thông với đất liền, các trung tâm du lịch, kinh tế văn hóa lớn của cả nước và với khu vực ASEAN… khá thuận lợi bằng cả đường biển và đường hàng không.

Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu phát triển đặc khu, tỉnh Kiên Giang cũng đang tích cực triển khai Đề án xây dựng thành phố thông minh Phú Quốc. Đến cuối năm 2017, đã hoàn thành giai đoạn 1 với việc ứng dụng phần mềm một cửa điện tử tại 7 xã, thị trấn; lắp đặt thiết bị phát sóng wifi tại 8 điểm du lịch; lắp đặt nhiều camera kết nối với trung tâm giám sát Công an huyện Phú Quốc và có thể kết nối về trung tâm chỉ huy Công an tỉnh Kiên Giang; đưa vào vận hành hệ thống phần mềm quản lý lưu trú trực tuyến… Đến nay, Phú Quốc là đô thị đầu tiên ở Việt Nam đã hình thành được năng lực cơ bản của nền tảng thành phố thông minh.

Nhận định về triển vọng phát triển dài hạn của Phú Quốc, ông Lý Hoài Giang cho rằng, khi dự “Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt” được Quốc hội thông qua và có hiệu lực, chính thức vận hành theo mô hình đặc khu, dự kiến trong giai đoạn 2021-2030 mức thu nhập bình quân đầu người của Phú Quốc sẽ đạt từ 20.000 - 30.000 USD/ người/năm, cao hơn nhiều so mức dự báo mà Bộ Kế hoạch Đầu tư đưa ra là 13.000 USD/ người/năm vào năm 2030.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây